SINH HOẠT DƯỚI CỜ TUẦN 30

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chào đón tuần học mới, chiều ngày 15/04/2024, trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức buổi chào cờ đầu tuần 30 với thật nhiều nội dung hấp dẫn và bổ ích.

Toàn cảnh buổi chào cờ

         Mở đầu buổi chào cờ, Thầy Võ Khắc Vinh – Bí thư Đoàn trường đã tổng kết hai mặt tuần 29 và triển khai công tác Đoàn tuần 30: tuyên dương các tập thể lớp đứng đầu hai mặt thi đua của nhà trường, học tập và thực hiện tốt nội quy, quy định đề ra; đồng thời nhắc nhở các em học sinh cần cố gắng nỗ lực học tập, chấp hành nghiêm túc nội quy nhà trường. Đồng thời Thầy Phạm Huy Thành – Phó Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ với các em học sinh nhiều câu chuyện đến học tập và cuộc sống.

        Sinh hoạt dưới cờ tuần 30: Cô Tiêu Thị Nhàn – Tổ phó tổ TVHTHS, PCTT đã triển khai cho các em học sinh tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Giỗ tổ Hùng Vương”.

Em Lầu Thúy Hương (11a2) và Bùi Trọng Tấn (11A1) đã tổ chức sinh hoạt dưới cờ tuần 30

        Tại buổi chào cờ, các em học sinh được ôn lại nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 03 âm lịch:

       Giỗ quốc Tổ Hùng Vương đã từ rất lâu đã trở thành 1 ngày trọng đại và đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, đến ngày này thì mọi trái tim của người dân Việt Nam đều hoà chung 1 nhịp, đều hướng về vùng đất Phú Thọ linh thiêng, hướng về Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước để tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng.

      Truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương (một thủ lĩnh ở Lĩnh Nam tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương). Sinh một con trai, sau nối nghiệp cha niên hiệu là Lạc Long Quân (Sùng Lãm). Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng – nở ra một trăm người con -là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm Lạc Long Quân với Âu Cơ: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, bốn mươi chín người con theo cha về miền biển. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương.

        Tuy chỉ là truyền thuyết nhưng các vị vua Hùng vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, chúng ta vẫn luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên, con cháu vua Hùng chính vì vậy đã là người Việt Nam thì phải luôn hướng về cội nguồn, về nơi đã sinh ra.

       Ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3: Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, thời Lê Sơ chọn ngày 11 và 12/3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn 1917 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên. Kể từ năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt. Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Năm 2012, ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Học sinh Nông Thị An Na (11a3) đang tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 đến học sinh toàn trường

        Ngoài ra các em học sinh còn được trải nghiệm tham gia các trò chơi đố vui xung quanh chủ đề, đê khắc sâu hơn nguồn gốc, ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3.

Các em học sinh hào hứng tham gia sinh hoạt dưới cờ

        Như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Mình mong rằng, thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ, tất cả các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh – thế hệ trẻ, sẽ cố gắng học thật tốt, rèn luyện phẩm chất đạo đức để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp như lời nhắn nhủ của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ 1 phần vào công học tập của các cháu”.

BAN TRUYỀN THÔNG