Tuyên truyền phòng chống tội phạm mua, bán người

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cùng nhau chống lại buôn bán người – Bạn là sức mạnh của tương lai!

     Các em học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh thân mến, buôn bán người là một tội ác đáng lên án và cần phải bị ngăn chặn? Đây là một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

     Mặc dù những nỗ lực phòng chống lại tội phạm mua bán người đã được đẩy mạnh trên thế giới nhưng đến nay đó vẫn tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp tội phạm lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Lợi nhuận toàn cầu cho mua bán người lên tới khoảng 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm và những lợi nhuận này cao nhất ở Châu Á. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 25 triệu người bị mắc kẹt trong cảnh bị cưỡng bức lao động, nhiều người trong số họ đã bị buôn bán để khai thác.

     Nạn mua bán người đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, xâm hại sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của nạn nhân, tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà còn là nam giới và trẻ sơ sinh, bị lấy nội tạng, cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê, bóc lột lao động và tình dục

     Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta cần phải chung tay đẩy lùi nạn buôn bán người bằng cách đưa ra các chiến dịch nâng cao nhận thức ở các cộng đồng dễ bị buôn bán và tổ chức tập huấn về phòng chống mua bán người. Giúp mỗi chúng ta vừa không bị trở thành nạn nhân, vừa không vô tình trở thành tội phạm khi bị đưa vào các đường dây buôn bán người.

     * Nhận dạng các hành vi buôn bán người

      Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi… sau đó bán sang biên giới

      Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ trong đó độ tuổi từ 16 – 23), giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới; hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe doạ nạn nhân, sau đó, bán họ ra nước ngoài.

      * Nguyên nhân xảy ra buôn bán người

     Từ phía nạn nhân: do kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân.

      Từ bên ngoài: bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi là một trong các điều kiện thuận lợi cho các tội phạm mua bán người hoạt động phạm tội. Các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây tội phạm khép kín. Nhiều đối tượng, ban đầu là nạn nhân, nghe theo lời dụ dỗ, rủ rê của kẻ xấu, họ đã trở về quê hương biến mình thành những “mẹ mìn” chuyên đi lôi kéo, lừa gạt những nạn nhân khác.

     * Hậu quả của nạn buôn bán người

     Nạn mua bán người đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, xâm hại sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của nạn nhân, tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà còn là nam giới và trẻ sơ sinh, bị lấy nội tạng, cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê, bóc lột lao động và tình dục.

      * Giải pháp ngăn chặn

     Trước hết chúng ta  cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

     Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

      Hãy thận trọng để mình không trở thành tội phạm khi bị đưa vào đường dây mua bán người.

      Gọi vào đường dây nóng phòng, chống mua bán người:  111

      Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất, gọi vào đường dây nóng 111.Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bạn bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội Phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ

      Các em lớp 12 sau khi rời ghế nhà trường có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài hãy di cư an toàn theo con đường chính thống, an toàn nhất, có sự bảo trợ của nhà nước.

      Cán bộ, giáo viên, nhân viên và toàn thể các em học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi chúng ta cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội, vì đất nước Việt nam giàu đẹp, hạnh phúc./.

                                                                                              

                                                                                                              BAN TRUYỀN THÔNG